Bình Dương vừa tiến hành Đại hội Hội Kiến trúc sư lần thứ IV, nhiệm kỳ 2009-2014. Nhiệm vụ của Hội Kiến trúc sư và các kiến trúc sư thời gian qua là tư vấn, góp ý và phản biện các dự án quy hoạch và công trình kiến trúc; tham gia nghiên cứu, thiết kế các công trình có ý nghĩa, phù hợp với tiến trình phát triển của địa phương.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ của Hội Kiến trúc sư còn nặng nề hơn, bởi theo định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2015-2020, Bình Dương sẽ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, nên khối lượng công việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị là rất lớn. Trong đó, vai trò phản biện các dự án quy hoạch và công trình kiến trúc của Hội Kiến trúc sư là vô cùng quan trọng.
Quy hoạch tốt, có tầm nhìn xa không chỉ phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với đặc điểm, truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa địa phương; mà còn tiết kiệm được nhiều công sức và tiền bạc của nhân dân, góp phần xây dựng diện mạo Bình Dương ngày càng hiện đại ngang tầm với cả nước và khu vực. Một công trình xây dựng sai công năng, không đạt về mặt thẩm mỹ có thể phá bỏ để làm lại, nhưng sai trong công tác quy hoạch sẽ để lại hậu quả nặng nề, khó lường mà bài học “kẹt xe, ngập nước” tại 2 thành phố lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội là bài học nhãn tiền.
Tại Hà Nội, dư luận từng lên tiếng khi các phố cổ có từ thời Pháp vẫn khô ráo, trong khi các khu đô thị mới quy hoạch, xây dựng gần đây đều đồng loạt “đường biến thành sông” nếu có mưa lớn kéo dài! Điều đó thể hiện sự yếu kém trong công tác quy hoạch, xây dựng và cả yếu kém trong sự kết nối giữa cái đã có và cái đang làm. Người dân TP.HCM gần đây cũng bức xúc với việc ra đường gặp nạn kẹt xe và phải cùng nhau lội nước bì bõm trên đường ngay cả khi trời nắng ráo, mà nguyên nhân chính cũng là do lỗi ở quy hoạch; do dân số tăng cao vượt nhiều lần so với công năng của các công trình đã quy hoạch, xây dựng.
Bình Dương đã và đang hình thành hàng loạt các khu đô thị mới, vì vậy công tác quy hoạch, cả quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết, cần có sự đóng góp công sức, trí tuệ của nhiều người và phải bền bỉ, không nên nay làm mai bỏ hay người này làm người khác phá, ý tưởng này phá ý tưởng kia và ai cũng có cái quyền cho mình là nhất… Cũng đã có ý kiến cho rằng, Bình Dương lấy đâu ra người để ở khi hình thành những khu đô thị như Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị? Hiện tại dân số Bình Dương tuy chỉ vào khoảng 1,4 triệu người, nhưng ai dám chắc rằng 10 năm sau con số đó không là 2 – 3 triệu và 50 – 70 năm sau con số đó sẽ tăng đến đâu? Quy hoạch là tính cho tương lai, vì vậy không ai có cái quyền phán quyết khi chỉ nhìn vào những con số hiện tại.
Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn xa ít nhất là cho 50 hoặc 70 năm, thậm chí cho cả trăm năm về sau, bởi muốn có một đường phố đẹp, một hàng cây đẹp, chí ít phải mất từ 30 – 40 năm trở lên; muốn có một công trình văn hóa để đời cho hậu thế phải tính đến hàng trăm năm; muốn đô thị không kẹt xe hay ngập nước phải tính đến một không gian mở cho sự gia tăng về sau. Và đó chính là vai trò, nhiệm vụ của những nhà làm công tác quy hoạch và vai trò phản biện của Hội Kiến trúc sư và của chính các kiến trúc sư.