Một thoáng Bình Dương
Bút ký: La Ngạc Thuỵ
Đến Bình Dương vào những ngày cuối tháng sáu trời chợt nắng, chợt mưa. Nắng như đốt cháy da người, mưa như trút nước. So với Tây Ninh, thời tiết Bình Dương chẳng khác bao nhiêu. Sau hơn 10 năm trở lại thăm Bình Dương, dù chỉ ngồi “trên xe 12 chỗ dạo quanh” qua các vùng trọng điểm phát triển kinh tế – xã hội vẫn thấy Bình Dương đã thật sự “đổi thịt thay da”.
Đoàn Văn nghệ sĩ Tây Ninh đi thực tế sáng tác ở Bình Dương
Điều ghi nhận đầu tiên là thị xã Thủ Dầu Một với hệ thống giao thông trải nhựa bê tông nóng như ô bàn cờ, có dải phân cách trổ đầy hoa đủ màu sắc như thắp sáng lên thêm cho bộ mặt đô thị đang phát triển từng ngày, nếu căn cứ vào tiêu chí thì thị xã Thủ Dầu Một rất xứng đáng là một thành phố loại 3. Vậy mà, Bình Dương vẫn chưa được công nhận? Anh Nguyễn Phong Dinh như cười thoả mãn với thắc mắc của chúng tôi: “Đây là sách lược của lãnh đạo tỉnh. Bởi lẽ, khi được công nhận là thành phố thì kéo theo hàng loạt vấn đề kinh tế xã hội phải giải quyết, mà cụ thể nhất là giá cả bất động sản, thuế, phí … các loại sẽ biến động theo chiều hướng tăng cao và đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là dân nghèo”. Qua tìm hiểu thì lộ trình đi lên thành phố của Bình Dương được qui hoạch đến năm 2010 thành đô thị loại 3, đến 2015 là đô thị loại 2 và năm 2020 là đô thị loại 1. Tính đến thời điểm này, Bình Dương đã đi trước một bước vì mọi tiêu chí để được công nhận đô thị loại 3 đã đạt yêu cầu, nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn giữ nguyên lộ trình đã vạch ra, cũng có lý do của nó mà cụ thể là hướng đến cuộc sống của dân nghèo.
Có thể nói, ấn tượng lớn nhất của những người đến từ Tây Ninh, cùng khu vực là miền Đông Nam bộ, cũng có khu công nghiệp, cũng nằm giáp ranh TP. Hồ Chí Minh nhưng khi đến thăm các khu công nghiệp ở Bình Dương mới thấy tỉnh bạn phát triển vượt bậc hơn nhiều. Bình Dương có đến 7 khu công nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động phổ thông địa phương và thu hút hàng ngàn lao động ngoài tỉnh, chỉ trừ khu công nghiệp liên kết Việt Nam – Singapore đóng tại thị xã Thủ Dầu Một, còn các khu công nghiệp khác đều nằm ngoại thị. Thế mà khu công nghiệp nào cũng khang trang và bề thế cả về qui mô lẫn hoạt động sản xuất kinh doanh. Như Khu công nghiệp Mỹ Phước phát triển trên địa bàn huyện Bến Cát; khu công nghiệp Sóng Thần I, Sóng Thần II nằm trên huyện Dĩ An, còn lại nằm trên huyện Thuận An … Đây cũng là qui hoạch có tính toán của Bình Dương nhằm mục đích phát triển đồng đều để dễ dàng hội nhập khi tỉnh tiến lên thành phố loại 1. Để đạt được những thành quả hiện nay ở các khu công nghiệp phải nói là chính sách thu hút đầu tư của Bình Dương rất thông thoáng. Ngoài các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai … Bình Dương còn áp dụng cơ chế một cửa thông thoáng về thủ tục hành chính và nhanh đến không ngờ. Bởi lẽ khi các doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thì trực tiếp các Ban quản lý từng khu công nghiệp có trách nhiệm giao dịch với các ngành chức năng, đảm bảo chỉ 2 ngày sau chủ doanh nghiệp sẽ có ngay giấy phép đầu tư.
Khi ghé thăm khu công nghiệp liên kết Việt Nam – Singapore, sau khi nghe báo cáo quá trình hình thành và đi vào sản xuất của khu công nghiệp, được sự hướng dẫn của một cán bộ Ban quản lý, chúng tôi dạo một vòng khu công nghiệp. Hệ thống giao thông trong khu vục đều được trải nhựa bê tông nóng, cảnh quan đảm bảo vệ sinh môi trường. Điều đáng ghi nhận là mỗi con đường đều có dáng vẻ riêng, đặc biệt chỉ nhìn thấy trụ đèn, chẳng thấy hệ thống điện lưới chằng chịt dọc theo đường, mà tất cả đều đi ngầm dọc theo cống thoát nước. Những nét riêng cũng dễ dàng phân biệt vì trụ đèn từng con đường mỗi kiểu dáng, cây kiểng và hoa trồng bên lề cũng khác nhau theo từng biểu trưng của mỗi nước có đầu tư vào khu công nghiệp.
Điều đáng ghi nhận khác là so với Tây Ninh các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp Bình Dương đều sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu như khu công nghiệp liên kết Việt Nam – Singapore, 100% sản phẩm đều sản xuất theo đơn đặt hàng từ nước ngoài. Khu công nghiệp Sóng Thần, Mỹ Phước … đa số cũng sản xuất để xuất khẩu và công ty nào cũng qui mô với doanh số lớn.
Điều chúng tôi ngỡ ngàng nhất là khi vào “xem qua cho biết” phòng trưng bày sản phẩm của Công ty Gốm sứ Minh Long vì do quỹ thời gian thì ít mà yêu cầu công việc thì nhiều. Dù trước khi đến đây, qua sự quảng bá về thương hiệu Việt Nam chất lượng cao của báo đài chúng tôi đã nắm được một số thông tin. Vậy mà, chúng tôi vẫn thật sự choáng ngợp khi đứng trước toà nhà cao tầng, bề thế nằm giữa trung tâm thị xã Thủ Dầu Một, ngay trên quốc lộ 13. Phía trước là hồ nước phun hàng ngàn tia nước như đang nâng chiếc bình trà gốm sứ khổng lồ biểu tượng của công ty. Bên trong toà nhà là khoảng không gian rộng, thoáng với từng khu trưng bày từng loại sản phẩm do công ty sản xuất. Lướt nhìn qua các loại sản phẩm, không thể đánh giá ngay được về chất lượng nhưng chúng tôi có thể thẩm định được trình độ tay nghề bậc cao của những người thợ tài hoa gốm sứ truyền thống Bình Dương. Óc sáng tạo cùng với tính cần cù nhưng năng động dám nghĩ dám làm của những người thợ Bình Dương đã biến đất sét Bình Dương thành những sản phẩm gốm sứ nổi tiếng, đa dạng về mẫu mã, phong phú về kiểu dáng và sản phẩm nào cũng đạt trình độ thẩm mỹ cao. Có thể nói thời kỳ đổi mới đã biến gốm sứ thôn dã, mộc mạc Lái Thiêu ngày nào trở thành sản phẩm gốm sứ hiện đại Minh Long ngày nay. Chẳng những thế, từ gốm sứ , Minh Long còn bước vào công nghệ đồ gỗ, trang trí nội thất … mà sản phẩm nào cũng được người tiêu dùng đánh giá cao, phù hợp với tư tưởng Á Đông. Về kinh tế, Bình Dương có những bước phát triển nhảy vọt. Còn về mặt xã hội, cứ vào tham quan Bảo Tàng Bình Dương, chúng ta sẽ hình dung được từng bước đi lên của xã hội Bình Dương từng thời kỳ kể từ ngày có người dân xứ Quảng đến khai phá và định cư nơi này. Phải nói Bảo tàng Bình Dương là một kỳ công của người dân Bình Dương. Bảo tàng Bình Dương là bộ sưu tập lịch sử – xã hội, truyền thống đấu tranh cách mạng khá đầy đủ về con người và đất Bình Dương. So với Bình Dương thì Bảo tàng Tây Ninh còn nhiều việc phải làm. Nếu như chúng tôi choáng ngợp trước phòng trưng bày sản phẩm gốm sứ Minh Long, thì càng sững sờ hơn khi đến thăm khu du lịch văn hoá lịch sử Đại Nam cũng nằm trên quốc lộ 13 thuộc huyện Bến Cát. Cho dù chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1 mà những công trình hiện tại đã thật sự hấp dẫn du khách. Nhìn từ xa dãy dã sơn sừng sững, nhấp nhô cao ngút tầm mắt nổi lên giữa trời, tượng trưng cho “sơn hà xã tắc”đã nhân đôi những gì chúng tôi tưởng tượng. Theo giới thiệu thì đây là công trình được thiết kế dựa theo thuyết ngũ hành “kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ”, tôn vinh và ngưỡng vọng những tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Công trình được chia thành 6 cụm: thắng tích Ngũ Hành Sơn, Vịnh Hạ Long, Cửu Long Giang, mô hình đất nước Việt Nam, thắng tích kỳ quan thế giới thu nhỏ và khu vui chới giải trí, dịch vụ du lịch với đầy đủ biển, hồ, sông, núi và tường thành. Ở đây không chỉ tái hiện những nét văn hoá đặc trưng của 64 tỉnh thành và 54 dân tộc anh em trên toàn đất nước Việt Nam mà còn tái hiện những kỳ quan nổi tiếng trên thế giới. Được biết toàn bộ công trình đều do các kiến trúc sư nổi tiếng trong nước đảm nhận từ thiết kế` bản vẽ cho đến từng giai đoạn xây dựng công trình. Cổng chính đi vào từ hướng đông được xây dựng theo dáng dấp “Thiên An Môn” ở Trung Quốc. Dãy núi Ngũ Hành Sơn bao quanh một phần công trình như bức tường thành. Nhà thờ Tổ quốc với tên gọi Việt Nam Quốc Tự uy nghiêm nằm đối diện với cổng chính được xây dựng khá hoành tráng; phía trước là hồ sen, chính giữa hồ là hệ thống nước phun toả hàng ngàn tia nước cầu vòng tạo cảm giác thư thái trước khi vào viếng đền nằm trên chín bậc cấp. Cửa đền bằng gỗ quí được chạm khắc hình long phụng rất công phu thể hiện tay nghề bậc cao của những nghệ nhân. Đứng trước cửa đền nhìn vào đại sảnh là một khoảng không gian rộng toát lên vẻ uy nghiêm và kỳ bí, mái được chống bằng những thân cột rông khoảng một người ôm, được phết vàng toả sáng cả gian đại sảnh. Phía dưới đền là tầng hầm trưng bày các hiện vật văn hoá của từng thời kỳ từ hoang sơ đến văn minh và những hiện vật nghệ thuật dân gian của 54 dân tộc anh em. Phía ngoài, hai bên đền là khu công viên với đủ loại cây kiểng tạo nên bức tranh màu xanh, chính giữa là hai tượng dát vàng Quang Trung và Lý Thường Kiệt, hai vị anh hùng dân tộc tài ba. Phía sau đền là dãy núi Ngũ Hành Sơn, ẩn hiện một toà bảo tháp cao chín tầng. Hai bên dãy núi là hai tượng rồng chầu lượn lờ trên hồ Bích ngọc, nước nhân tạo trong xanh quanh năm, tạo nét cân đối cho cả một quần thể non xanh, nước biếc, đền đài…
Từ giả Bình Dương sau khi đến thăm Khu du lịch lịch sử văn hoá Đại Nam, một khu du lịch hoành tráng, đồ sộ sau khi hoàn thành sẽ lớn nhất nước, chúng tôi ai cũng thầm nghĩ sẽ trở lại thăm khi nào có dịp.