Chờ đợi ở bến xe phía đông TP.HCM

TT – Theo dự kiến, nếu không có gì thay đổi, năm 2012 TP.HCM sẽ triển khai xây dựng bến xe phía đông rộng 20ha ở khu vực Q.9. Đây chắc chắn là bước ngoặt lớn đối với quy hoạch và giao thông TP. Để bến xe mới này phát huy được tầm chiến lược của TP.HCM và toàn khu vực, xin góp vài ý sau:

Chờ đợi ở bến xe phía đông TP.HCM

Các loại xe nối đuôi nhau nhích từng bước từ bến xe miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hướng ra cầu Bình Triệu – Ảnh: Minh Đức

Trước hết, với tình hình quá tải ngày càng trầm trọng tại khu vực cầu Bình Triệu, việc đề xuất di dời bến xe phía đông ra xa trung tâm hơn là khách quan. Và trong phạm vi quyền hạn của một địa phương (thành phố), việc đề xuất bến xe này ra khu vực Suối Tiên (Q.9) cũng dễ hiểu…

Tuy nhiên, vị trí xây dựng bến xe mới này trong xu thế hội nhập và phát triển kinh tế vùng TP.HCM và khu vực Đông Nam bộ phải đảm bảo yêu cầu cho sự phát triển hài hòa của toàn bộ khu vực. Nói một cách dễ hiểu, xây dựng bến xe mới này rất dễ vượt ra ngoài tầm phát triển của TP.HCM. Vì thực tế nhiều năm rồi bến xe miền Đông luôn là nơi tập trung các phương tiện giao thông quan trọng nhất của khu vực Đông Nam bộ và cả nước.

Nhìn vào sự quá tải của cầu Bình Triệu, bến xe miền Đông hiện hữu nằm phía trong sông là một nguyên nhân lớn gây nên cảnh quá tải đó. Nếu khi quy hoạch bến xe này, TP có phương án đưa ra ngoài sông thì dễ gì đã sớm lạc hậu như vậy.

Hiện tại, với quỹ đất phục vụ xây dựng còn rất lớn tại các quận 2, 9, Thủ Đức và các huyện Thuận An, Dĩ An cũng như các đô thị ở Bình Dương tương lai và các đô thị vệ tinh tây bắc TP như Củ Chi, Đức Hòa (Long An)…, tiến trình đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị của toàn khu vực là rất lớn. Tình hình sẽ làm gia tăng đáng kể các phương tiện giao thông vận tải trên toàn khu vực…

Như vậy, nếu bến xe phía đông mới không tính toán cẩn thận rất dễ lặp lại vết xe đổ của bến xe hiện hữu. Cầu Đồng Nai khi ấy sẽ lại giống như cầu Bình Triệu hiện nay…

Thứ hai, bến xe phía đông mới đương nhiên phải gắn với việc điều tiết các phương tiện giao thông liên quan đến khu vực nội thành. Nhưng cũng cần hài hòa với chiến lược phát triển kinh tế vùng TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với nhiều đô thị vệ tinh bao quanh TP.HCM. Vì nếu không tính toán tổng thể rất dễ dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm.

Như các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo không gian kinh tế ở nước ta đang bị chia cắt theo đơn vị hành chính (dàn hàng ngang, na ná nhau) nên kinh tế vùng chưa phát huy được lợi thế. Việc xây dựng bến xe phía đông TP phải gắn liền với việc khắc phục nhược điểm này.

Việc xây dựng mới bến xe phía đông TP.HCM là sự thể hiện năng lực của tầm nhìn chiến lược quốc gia và vùng. Việc thiết kế bến xe này phải gắn với định hướng lại các tuyến giao thông huyết mạch tổng thể. Nhà nước cần xem lại hiệu quả của dự án để phục vụ chiến lược phát triển ổn định, lâu dài. Xa hơn nữa, TP.HCM cần có một mốc địa giới hành chính mới cho phù hợp với chiến lược phát triển toàn vùng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

08888.1.3456