Thông qua Quy hoạch chung xây dựng đô thị Nam Bến Cát tới năm 2030

TTĐT – Sáng 04 – 5, tại UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung chủ trì phiên họp UBND tỉnh lần thứ 22 để thông qua Quy hoạch chung xây dựng đô thị Nam Bến Cát tới năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch). Tham dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; UBND các huyện, thị.

 
Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và xây dựng tổng hợp Nam Bến Cát. Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, định hướng không gian đô thị tới năm 2015, các đơn vị hành chính của Nam Bến Cát gồm 12 xã, phường; đến năm 2020 xây dựng thị xã Nam Bến Cát gồm 12 phường. Đơn vị tư vấn cũng đề xuất 2 phương án xây dựng trung tâm hành chính huyện, đó là giữ lại trung tâm hành chính huyện Bến Cát hiện hữu tại thị trấn Mỹ Phước cho thị xã Nam Bến Cát và phương án quy hoạch trung tâm hành chính mới tại vị trí ngã tư đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài và đường vành đai 4. Về phát triển các khu công nghiệp, ổn định phát triển các khu công nghiệp hiện hữu, không phát triển thêm các khu.
 
ben cat
 
Đến năm 2020, xây dựng thị xã Nam Bến Cát gồm 12 phường
 
 
Tại phiên họp, các đơn vị đã tập trung thảo luận phương án xây dựng trung tâm hành chính thị xã Nam Bến Cát. Theo đa số ý kiến của các đơn vị, chọn phương án giữ nguyên trung tâm hành chính huyện Bến Cát hiện hữu.  
 
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Lê Thanh Cung lưu ý, xây dựng đô thị Nam Bến Cát phải dựa trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, quy hoạch chung phát triển đô thị tỉnh Bình Dương trong 10 năm tới và thực tế quy hoạch phát triển trong 10 năm qua tại Bến Cát; đồng thời thống nhất không gian phát triển đô thị là chọn 01 thị trấn và 7 xã để quy hoach; chọn vị trí trung tâm huyện lỵ Nam Bến Cát vẫn là thị trấn Mỹ Phước hiện hữu. Bên cạnh đó, Chủ tịch đề nghị, phát triển mô hình đô thị Nam Bến Cát theo mô hình phát triển đô thị bền vững, thân thiện với môi trường; phát triển đường vành đai sông Thị Tính hiện đại, gắn kết với khu đô thị; xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối trung tâm đô thị với các vùng xung quanh một cách thuận tiện, đồng thời kết nối các khu dân cư, đô thị với hệ thống hạ tầng chung của tỉnh. 
 

Phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng Tp Thủ Dầu Một đến năm 2020

Thursday, September 27, 2012
TTĐT – Ngày 26/6/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1702/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Đô thị Thủ Dầu Một đến năm 2020.
 
Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, xây dựng đô thị Thủ Dầu Một trở thành đô thị loại II – thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương gồm: 12 phường và 02 xã; đến năm 2020 là đô thị loại I gồm 14 phường và là quận thuộc thành phố Bình Dương. Đồng thời xây dựng Thủ Dầu Một trở thành đô thị phát triển, năng động, có sức cạnh tranh cao trong tỉnh, trong nước; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và cơ hội đầu tư thuận lợi.
 
tp thu dau mot
 
Đến năm 2020, Thủ Dầu Một  trở thành đô thị loại I 
 
Đến năm 2015, Thủ Dầu Một có quy mô dân số là 374.825 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 90,66%; đến năm 2020 dân số toàn đô thị là 515.520 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 100%. Về phát triển không gian đô thị, Thủ Dầu Một phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm và nguyên tắc phát triển: cân bằng sự phát triển không gian và kinh tế tại các trung tâm đô thị khác nhau; tổ chức phát triển không gian theo nguyên tắc “đô thị nén” trung bình; thiết kế mạng lưới đường và giao thông công cộng rõ ràng cho từng khu vực đô thị; củng cố cấu trúc quan trọng của cảnh quan sông rạch đối với cấu trúc đô thị; tạo ra ưu điểm nổi bật cho thành phố trung tâm của Bình Dương. Đô thị Thủ Dầu Một trong tương lai được chia thành ba khu vực chính: khu vực phía Nam Thủ Dầu Một, khu vực phía Đông – Bắc Thủ Dầu Một và khu vực phía Tây Thủ Dầu Một.
 
Về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, sẽ không phát triển thêm khu công nghiệp tập trung trên địa bàn Thủ Dầu Một ngoài 6 khu công nghiệp hiện có. Các cơ sở sản xuất công nghiệp phân tán trong đô thị sẽ được di dời vào khu công nghiệp hiện có giai đoạn năm 2020 và năm 2030. Đồng thời phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp du lịch trong đô thị Thủ Dầu Một.
 
Quy hoạch cũng xác định, đến năm 2015, tỷ lệ thu gom nước thải đô thị đạt 85%, đến năm 2020 đạt 95% và hoàn chỉnh khu xử lý nước thải có khả năng xử lý thải công suất 82.000m3/ngày, sau năm 2020 đạt công suất 110.000m3/ngày; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý đạt tỷ lệ 95%, đến năm 2020 đạt 100%. 
 
Nguồn binhduong.gov.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

08888.1.3456